Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô giáp ranh với tỉnh Gia Lai, Phú Yên, cách huyện Ea Kar chừng 30 km theo đường chim bay, có dòng sông Krông Năng với nguồn nước dồi dào chảy quanh năm. Những dãy núi cao nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, địa hình khá đa dạng có các sinh vật cảnh, đồng cỏ, đầm lầy, hồ nước, sông, suối hết sức phong phú, tạo điều kiện rất tốt cho việc sinh sống của các hệ động thực vật.
Là một khu rừng còn nhiều tài nguyên phong phú, nhưng từ ngày giải phóng (1975) cho đến năm 1994 vẫn chưa có một dự án đầu tư và cũng không có một đơn vị nào trực tiếp quản lý. Do đó có nhiều người xâm nhập vào khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật. Đứng trước nguy cơ tài nguyên rừng đã bị phá nghiêm trọng, năm 1995 lực lượng tự vệ nông trường Ea Kar đã được thành lập để làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó họ còn mở hàng trăm km đường giao thông, đắp nhiều hồ nước phục vụ sinh hoạt. Nhờ sự quản lý bảo vệ rất nghiêm ngặt, nên khu rừng Ea Sô còn nguyên vẹn và được UBND Dak Lak ra quyết định thành lập khu bảo tồn từ ngày 21/4/1999. Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có diện tích là 27.800 ha, chia thành 3 phân khu, phân khu dịch vụ hành chính sản xuất rộng 2.025 ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.816 ha, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 15.959 ha. Đây cũng là nơi lưu giữ 709 loài thực vật và đã tìm thấy 44 loài thú, 158 loài chim, 23 loài bò sát.
Tháng 1/2006, một số cán bộ nghiên cứu thuộc Dự án bảo tồn bò hoang dã Việt Nam (BOS-SPP) đã tiến hành điều tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nhằm tìm hiểu thành phần loài, thực trạng và nguyên nhân đe doạ các quần thể bò hoang ở đây. Tiến sỹ Phạm Trọng Ánh (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) và Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hà (Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên môi trường) đã bắt gặp 12 đàn bò hoang (8 đàn bò tót, 4 đàn bò rừng), trong đó có những đàn bò rừng gồm 5 cá thể ở khu vực trạm kiểm lâm T7. Khu vực trạm kiểm lâm T7 và T5 là hai khu vực mà nhóm nghiên cứu ghi nhận có nhiều bò hoang nhất. Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ hai khu vực này tập trung nhiều bò hoang vì rất thích hợp cho bò kiếm ăn và nghỉ ngơi.
Có một đặc điểm rất thú vị của bò hoang Ea Sô là chúng hoạt động ở những khu vực gần với người, như trạm kiểm lâm, nơi canh tác của người dân và đường đi lại. Vì thế rất nhiều người đi đường và kiểm lâm tại các trạm đã bắt gặp và đã có trường hợp người đi xe máy qua đường liên tỉnh Dak Lak – Phú Yên húc phải bò. Điều này chứng tỏ Ea Sô vẫn là một khu bảo tồn bò hoang lớn nhất nước ta [1].
Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư 14 tỷ 241 triệu đồng, trang bị 9 chiếc xe máy, 18 ống nhòm, ba ca nô, một bộ đàm, chín máy phát điện, năm ti vi, hai điện thoại nhằm phục vụ công tác bảo vệ, phát triển khu bảo tồn và gần đây đã mở cửa đón nhiều khách tham quan. Nếu được tiếp tục đầu tư và các công ty du lịch có chiến lược khai thác sản phẩm du lịch, khu bảo tồn Ea Sô sẽ góp phần làm cho các điểm đến của du lịch Dak Lak thêm phong phú.
Có thể nói các nguyên tắc nhằm phát triển du lịch bền vững được thực hiện khá tốt tại các điểm du lịch là vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Dak Lak. Tỉnh có nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn, động thực vật đa dạng, lại có nhiều loài quý hiếm, xét về lợi thế so sánh thì có giá trị hơn các tỉnh khác. Sự hoang sơ và tính đa dạng của núi rừng nơi đây chắc chắn là điều kiện tốt để du lịch Dak Lak phát triển nếu có chiến lược dài hạn trên quan điểm bền vững.